Chó bị nôn là vấn đề khiến nhiều chủ nuôi lo lắng, không biết đâu là nguyên nhân và cách chữa trị nào hiệu quả. Mặc dù vấn đề này không nguy hiểm đến tính mạng nhưng nếu kéo dài, cún cưng sẽ phải chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến sức khoẻ. Vì thế, việc xác định nguyên nhân và cách chữa trị phù hợp và kịp thời cho chó bị nôn là vấn đề quan trọng. Trong bài viết sau đây, Blogpet.vn sẽ cung cấp cho bạn những thông tin chi tiết về nguyên nhân, triệu chứng cũng như cách chữa trị để cún cưng của bạn luôn hoạt bát và khỏe mạnh nhé!
Contents
- 1 Chó bị nôn có nguy hiểm không?
- 2 Các triệu chứng khi chó bị nôn
- 3 Nguyên nhân chó bị nôn
- 4 Cách chữa trị cho chó bị nôn?
- 5 Cách chăm sóc chó bị nôn
Chó bị nôn có nguy hiểm không?

Dù ở độ tuổi nào, chó cũng có thể gặp các vấn đề về tiêu hoá. Đối với những chú chó trưởng thành, chủ nuôi hoàn toàn có thể bình tĩnh xem xét các triệu chứng để xác định nguyên nhân chó bị nôn. Bởi việc nôn, ói là biểu hiện cho tình trạng bị rối loạn tiêu hoá ở chó, là cách chó loại bỏ các chất khó tiêu trong dạ dày hoặc ruột ra bên ngoài. Vì thế, việc chó bỏ ăn và nôn ói không nguy hiểm đến tính mạng.
Tuy nhiên, đối với những chú chú con nhỏ nhắn, sức khoẻ còn yếu ớt thì việc nôn, ói sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự an toàn của các bé. Với hệ miễn dịch chưa được hoàn thiện, các bé con sẽ rất nhanh bị mất nước và kiệt sức. Chính vì thế, ngay khi phát hiện chó con bị nôn, bỏ ăn, bạn cần hành động ngay lập tức, chữa trị tại nhà hoặc đưa cún con đến các cơ sở thú y để khám chữa bệnh kịp thời. Đặc biệt là tuyệt đối không để chó con bị nôn trớ nhé!
Ngoài ra, chó bị nôn, bỏ ăn, thậm chí tiêu chảy có thể là dấu hiệu tiềm ẩn của nhiều bệnh lý nguy hiểm ở loài chó như bệnh Parvo hay bệnh Care. Vì thế, các chủ nuôi cần nghiêm túc quan sát và chăm sóc thú cưng khi chúng có biểu hiện bất thường. Đồng thời không được chủ quan khi chó bỏ ăn và nôn óinhé!
Các triệu chứng khi chó bị nôn
Có nhiều nguyên nhân khác nhau khiến chó bị nôn. Đa phần, việc nôn không ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ của thú cưng, tuy nhiên, vẫn có những trường hợp nôn ói dẫn đến các bệnh lý nghiêm trọng. Vì thế, việc nhận diện các triệu chứng nghiêm trọng khi chó bị nôn là việc làm cần thiết mà bất kỳ chủ nuôi nào cũng cần phải biết.
Chó bị nôn mửa và nôn trớ

Theo các chuyên gia, chó bị nôn trớ khi chúng loại bỏ phần thức ăn vừa đến dạ dày hoặc vẫn còn trong thực quản, chưa được tiêu hoá. Do đó, chúng thường bị nôn trớ ngay sau khi chúng ăn xong, hoặc ăn quá nhiều và quá nhanh.
Còn chó bị nôn mửa khi thức ăn đã được tiêu hoá một phần, và chúng đang cố gắng để loại bỏ các chất hoặc thức ăn khó tiêu trong dạ dày của chúng. Trước khi nôn, chúng sẽ có các biểu hiện như chảy nước dãi và bụng co thắt.
Các chủ nuôi cần phân biệt hai hiện tượng nôn mửa và nôn trớ. Trong khi nôn trớ là hiện tượng bình thường thì nôn mửa là tín hiệu cảnh báo cho nhiều căn bệnh nguy hiểm ở cún cưng. Nếu phát hiện thú cưng bị nôn mửa, bạn cần tìm cách chữa trị đúng và kịp thời để không ảnh hưởng đến sức khoẻ của các bé.
Chó bị nôn ra bọt vàng, bọt trắng
Ngay khi thú cưng bị nôn, bạn nên quan sát kỹ bãi nôn của chúng. Nếu thú cưng của bạn nôn ra bọt vàng, bọt trắng, đó là do chúng bị bỏ đói quá lâu. Bãi nôn chứa dịch màu vàng, có nhiều bọt chính là dịch mật tiết ra. Bọt càng nhiều chứng tỏ cún cưng của bạn càng bị… đói bụng! Thời gian chó bị nôn do đói thường là vào sáng sớm hoặc giữa đêm, khi các thành viên trong gia đình đã đi ngủ và cún cưng thì không thể “làm nũng” ai để đòi ăn.
Vì thế, khi chó nôn ra dịch vàng, bọt trắng thì bạn có thể yên tâm là chúng không vô tình ăn phải chất độc hay vật cứng nguy hiểm nào nhé!
Tuy nhiên, việc bỏ đói cún cưng đến mức khiến chúng bị nôn cũng không được lặp lại quá nhiều lần trong tuần. Vì thú cưng bị nôn rất dễ mất nước và kiệt sức. Thế nên nếu tình trạng này diễn ra hơn 2 lần trong một tuần thì có thể cún cưng đang gặp vấn đề nghiêm trọng ở dạ dày đấy. Bạn hãy nhanh chóng liên hệ để nhận hỗ trợ từ bác sĩ thú y nhé!
Chó con bị nôn

Việc chăm sóc những bé cún con cũng khó khăn như cách chúng ta chăm sóc em bé vậy. Chó con có hệ miễn dịch rất yếu, cấu trúc hệ tiêu hóa cũng chưa hoàn toàn hoàn thiện nên dễ bị tác động tiêu cực bởi các các loại thức ăn gây khó tiêu. Đặc biệt những chú chó con từ 4 – 5 tháng tuổi là dễ mắc các vấn đề về tiêu hoá nhất. Chúng rất nhanh bị mất nước, suy nhược cơ thể và kiệt sức. Đồng thời chó con bị nôn dễ bị các loại vi khuẩn đường ruột như parvo, care và một số loại ký sinh trùng nguy hiểm khác xâm nhập vào cơ thể.
Giai đoạn này yêu cầu sự giám sát kỹ lưỡng và chăm sóc tỉ mỉ từ chủ nuôi. Ngay khi phát hiện chó con bị nôn, chủ nuôi cần “điều tra” lý do chó bị nôn nhanh chóng để có biện pháp ứng phó kịp thời. Điển hình, một trong những nguyên nhân lành tính khiến chó con bị nôn, bỏ ăn chính là tác dụng phụ của việc tẩy giun.
Trường hợp này xảy ra đối với những chú chó bị mẫn cảm với các loại thuốc và không gây nguy hiểm nghiêm trọng tới sức khoẻ của các bé cưng. Tuy nhiên, bạn cũng không được chủ quan đâu nhé! Nếu như sau 24 giờ, chó con vẫn tiếp tục bỏ ăn và nôn liên tục thì bạn nên đưa bé cưng đến cơ sở y tế gần nhất để kiểm tra tình hình sức khỏe và chữa trị cho bé nhé!
Nguyên nhân chó bị nôn
Có rất nhiều lý do làm cún cưng bị nôn. Việc xác định nguyên nhân chó bị nôn giúp chủ nuôi tìm ra giải pháp xử lý đúng đắn và kịp thời để đảm bảo cún cưng sớm khoẻ mạnh trở lại.
Chó bị nôn do dị vật mắc ở cổ họng hoặc dạ dày

Những chú chó háu ăn thường hay bị nôn do bị mắc dị vật ở cổ họng hoặc dạ dày trong lúc ăn. Dị vật đó có thể là những miếng thức ăn quá lớn hoặc mảnh xương vỡ mà chó không thể nghiền được như xương bò, xương cá… Vì không dễ dàng tiêu hoá, thậm chí không thể tiêu hoá được nên chó cảm thấy hết sức khó chịu. Vì thế chúng cố gắng loại bỏ phần thức ăn đó ra khỏi cơ thể bằng cách há lớn miệng, co thắt cơ bụng cực độ để nôn ra cho bằng được vật thể lạ đấy.
Quá trình “ép” cơ thể đào thải dị vật này khiến cơ hoành dạ dày của chó, đặc biệt là vùng thịt ở cuống họng của cún cưng bị tổn thương vô cùng nghiêm trọng, các chú chó cũng chịu nhiều đau đớn khôn cùng. Chính vì thế mà các chuyên gia khuyên rằng, không nên cho cún con ăn những mảnh xương cứng vì giai đoạn này, răng của cún con vẫn chưa đủ chắc khoẻ để nghiền xương. Chúng có thể nuốt trọn miếng thức ăn lớn đấy! Đồng thời, dạ dày của chó con còn non yếu nên chúng dễ bị tổn thương hơn nếu thức ăn bị tắc nghẽn ở cổ họng hoặc kẹt trong dạ dày.
Nếu chó bị nôn bọt trắng kèm theo bỏ ăn thì bạn nên chú ý quan sát liệu chúng có bị mắc dị vật ở cổ hay không. Nếu không thể quan sát bằng mắt thường thì có thể dị vật đã trôi xuống dạ dày. Vậy, bạn hãy mang chúng đến cơ sở thú y để giúp chúng lấy dị vật ra nhé!
Chó bị nôn do bệnh đường ruột

Những chú chó bị nôn dịch vàng hoặc bọt trắng, kèm theo triệu chứng bỏ ăn, mệt mỏi có khả năng cao bị bệnh đường ruột. Nếu bạn phát hiện cún cưng của mình bỗng dưng buồn bã, không còn hoạt bát và chạy nhảy thường xuyên, đồng thời chỉ nằm yên một chỗ và bỏ ăn, mỗi lần đi ngoài đều khó khăn và đau đớn thì đừng xem thường! Đây là những biểu hiện của bệnh đường ruột. Trong đó, có hai nguyên nhân cực kỳ nguy hiểm dẫn đến căn bệnh này là khuẩn ký sinh Parvo và Care.
Chó bị nôn do mắc bệnh Parvo
Parvo là một căn bệnh nguy hiểm do chủng Parvovirus gây nên. Hiện tại, vẫn chưa có nghiên cứu thuốc đặc trị ở chó thành công, vì thế rất nhiều chủ nuôi hoang mang khi cún cưng bị nôn cho mắc bệnh Parvo.
Chó có thể nhiễm virus Parvo khi tiếp xúc với các loại phân có chứa mầm bệnh Parvo hoặc những chú chó khác mang mầm bệnh này. Sau khi xâm nhập vào cơ thể của thú cưng, virus bắt đầu phá vỡ cấu trúc các tế bào máu và niêm mạc ruột non nhằm gây rối loạn hệ tiêu hoá của chó.
Khi đó, chú chó bị bệnh Parvo sẽ có các triệu chứng thường thấy như cún cưng bị nôn ra thức ăn kèm theo tiêu chảy liên tục, phân có màu sẫm và mùi bất thường. Một số bé còn bị sốt cao. Nếu bạn không phát hiện kịp thời và để virus này “hoành hành” mãi như thế thì tính mạng của cún cưng sẽ bị đe doạ đấy! Việc phát hiện, điều trị đúng cách và kịp thời sẽ giúp nâng cao tỉ lệ lành bệnh và khả năng sống sót của chú cún nhà bạn cao hơn. Ngoài ra, để ngăn ngừa chó bị nôn do bệnh Parvo thì chủ nuôi nên cho cún đi tiêm phòng chủng virus này từ khi còn nhỏ nhé!
Chó bị nôn do mắc bệnh Care
Nếu cún cưng bị nôn kèm theo bỏ ăn và nổi mẩn đỏ khắp người thì có khả năng cao là chó đã mắc bệnh Care. Bệnh Care thường xuất hiện nhất ở những chú chó con đang trong giai đoạn phát triển. Những lúc thời tiết thay đổi thất thường, trời liên tục mưa khiến độ ẩm tăng cao, chó con cũng rất dễ bị mắc bệnh Care.
Khi mắc bệnh Care, toàn bộ cơ thể của thú cưng đều bị ảnh hưởng tiêu cực, bao gồm hệ tiêu hóa, hệ hô hấp và hệ thần kinh. Chính vì “sức ép” toàn diện đó nên khi mắc bệnh Care, chó bị nôn và thường xuyên bỏ ăn, dẫn đến sự suy giảm sức đề kháng nghiêm trọng. Đây là cơ hội hoàn hảo để các loại vi khuẩn khác xâm nhập và gây ra nhiều loại bệnh khác ở chó. Bệnh Care có nhiều giai đoạn phát triển, bệnh càng lâu ảnh hưởng đến sức khỏe của cún cưng càng nghiêm trọng. Vì thế, hãy nhận biết dấu hiệu của căn bệnh Care khi cún cưng bị nôn nhé!
Dấu hiệu đầu tiên là chó bị nôn, bỏ ăn và luôn trong trạng thái mệt mỏi, không thích vận động. Chúng thậm chí có thể bị sốt cao trên 40 độ C trong suốt 24 tiếng. Từ 3 đến 4 ngày sau, chúng tiếp tục sốt cao từ 38 – 39 độ C. Cơn sốt kéo dài lâu hơn do lượng khuẩn tăng cao, mắt của cún cưng bị vẩn đục dần. Nếu không phát hiện sớm, bệnh sẽ nghiêm trọng hơn và tác động tiêu cực lên toàn bộ cơ thể cún cưng.
- Hệ tiêu hóa: cún cưng bị nôn kèm theo bọt trắng, bọt vàng, đôi khi bị nôn khan. Chúng còn bị đi ngoài phân lỏng, ra máu kèm theo mùi tanh khó chịu do niêm mạc ruột non bị bong tróc.
- Hệ hô hấp: từ thanh quản đến phế quản đều bị ảnh hưởng bởi bệnh Care. Nhịp thở của chó đột ngột tăng cao và rất gấp, khiến chúng cảm thấy khó thở. Chúng sổ mũi nhiều hơn và khi bệnh trở nặng thì mũi chúng bắt đầu xuất hiện mủ xanh hoặc máu đen làm tắc nghẽn mũi chúng. Vì thế, chúng thường phải thè lưỡi ra để hô hấp qua miệng.
- Hệ thần kinh: Cơ thể mệt mỏi khiến các bé cưng trở nên ủ rũ, buồn bã hoặc hung dữ và dễ kích động hơn. Chúng thậm chí còn bị co giật ở các mũi, bắp tay, chân, thịt và co rút toàn thân. Mắt bị vẩn đục dần đi hoặc bị loét niêm mạc mắt, sưng mủ mắt nên việc di chuyển rất khó khăn, loạng choạng, đi không vững và dễ té ngã. Các dây thần kinh ở giác quan nghe cũng bị tác động nặng nề khiến chó có nguy cơ bị điếc.
Vì thế, ngay khi chó bị nôn và có các biểu hiện bất thường khác, bạn nên đưa chúng đến trạm thú y gần nhất để thăm khám và chữa trị kịp thời. Nếu tự chữa trị tại nhà không đúng cách, bệnh không chỉ trầm trọng hơn mà còn làm gây lây nhiễm đến các chú chó khác. Thậm chí bản thân và gia đình của bạn cũng có thể có nguy cơ nhiễm bệnh đấy!
Bên cạnh bệnh Parvo và bệnh Care, cún cưng bị nôn cũng có thể do các nguyên nhân khác như rối loạn cơ quan chức năng (ở gan và thận), viêm ruột, bệnh addison,…
Chó bị nôn do các bệnh liên quan đến tuyến mật
Chất lỏng màu vàng bị chó nôn ra chính là mật tiêu hóa, thường nằm ở ruột non giúp chuyển hoá các thức ăn sau khi được nghiền ở dạ dày thành chất dinh dưỡng. Các chất dinh dưỡng với kích thước phân tử nhỏ hơn sẽ tiếp tục ngấm qua thành ruột non đi vào máu để nuôi dưỡng cơ thể của chó.
Tuy nhiên, nếu như chế độ ăn uống của chó không hợp lý hoặc hệ tiêu hóa của thú cưng hoạt động không ổn định sẽ làm cho dịch mật bị tiết ra trong dạ dày thay vì ruột non. Khi này, dịch mật bị dạ dày bài trừ và đào thải ra môi trường bên ngoài khiến cho cún cưng bị nôn.
Chó bị nôn do ăn phải cỏ

Đây là tình trạng phổ biến ở những gia đình có sân vườn. Những chú chó tinh nghịch thích chạy nhảy và khám phá tất cả mọi thứ có thể ăn phải cỏ trong lúc vui chơi ở ngoài vườn. Tuy nhiên, không phải loài động vật nào cũng có thể ăn được cỏ bởi vì đây là một loài thực vật khó tiêu hóa và chó cũng không phải là loài động vật ăn cỏ.
Hơn nữa, một số loại cỏ có khả năng kích ứng đến dạ dày của cún cưng khiến chúng bị nôn, bỏ ăn và mệt mỏi. Tuy nhiên, việc đào thải các chất gây khó chịu ra ngoài cơ thể là phản ứng tự nhiên của cơ thể. Một thời gian ngắn sau đó, thể trạng của cún cưng sẽ khôi phục trở lại nên các bạn không phải lo lắng quá nhiều đâu nhé! Tuy nhiên, vẫn nên hạn chế cho chó ăn cỏ thì tốt hơn đúng không nào!
Chó bị nôn do không có thức ăn để tiêu hóa
Nếu như bãi nôn của chó chỉ có dịch vàng mà không xuất hiện bất kì vật chất nào khác, chứng tỏ ruột non và dạ dày của thú cưng đang trống rỗng. Khi dịch mật được tiết ra không được dùng để tiêu hoá thức ăn, chất axit ở dịch mật sẽ khiến ruột non và dạ dày của cún cưng bị co thắt lại tột độ, đồng thời làm cún cưng bị nôn, bỏ ăn.
Tuy nhiên, đây không phải là căn bệnh nguy hiểm vì bạn có thể xử lý nhanh chóng bằng cách điều chỉnh chế độ ăn thường ngày của chú cún nhà bạn một cách khoa học hơn. Đặc biệt là chú ý đến hàm lượng dinh dưỡng cần thiết cho một ngày của cún cưng để chúng có thể thoải mái hoạt động và vui chơi nhé!
Chó bị nôn do viêm tụy

Chó bị viêm tuỵ do chúng đã ăn quá nhiều đồ ăn dầu mỡ dẫn đến việc bị rối loạn nội tiết tố và dư thừa chất béo. Khi đó, chúng sẽ đào thải bớt các chất dư thừa bằng cách nôn, bỏ ăn kèm theo đau bụng, tiêu chảy liên tục và sốt cao kéo dài.
Ngay khi phát hiện ra cún cưng bị nôn sau khi ăn chất béo, trong vòng 3 ngày bạn cần đưa thú cưng đến trạm y tế thú y gần nhất để được thăm khám và chữa trị kịp thời. Bởi bệnh viêm tụy tiềm ẩn nhiều biến chứng nguy hiểm về sau nên chữa trị càng sớm, sức khỏe của cún cưng càng được đảm bảo các bạn nhé!
Chó bị nôn do bệnh gan
Bệnh viêm gan khiến dịch mật tổng hợp một cách không bình thường và rối loạn. Dịch mật có thể được tiết ra quá ít khi chó ăn nhiều, khiến thức ăn không thể được tiêu hoá. Hoặc ngược lại, dịch mật được tiết ra quá nhiều khi chó đang đói khiến cún cưng bị nôn ra dịch vàng. Nếu tình trạng này lặp lại trong nhiều ngày, thú cưng sẽ bị ám ảnh tâm lý và trở nên sợ những bữa ăn hơn. Chúng bắt đầu bỏ ăn và từ chối nạp chất dinh dưỡng vào cơ thể.
Một điểm đáng lưu ý nữa là tỉ lệ tử vong do bệnh viêm gan rất cao, lên đến 30%. Do đó, chủ nuôi cần lưu ý mỗi khi chó bị nôn và có hướng can thiệp y tế đúng đắn và kịp thời nhé!
Chó bị nôn do loét thực quản
Bệnh loét thực quản thường bị gây ra do trào ngược axit dạ dày. Các axit trong dạ dày có khả năng bào mòn rất cao, trong khi thực quản là cơ quan cực kỳ mỏng manh và hầu như không có khả năng chống bào mòn bởi axit. Do đó, khi axit dạ dày bị trào ngược lên thực quản nhiều lần, thực quản của chó sẽ bị viêm loét, gây ra đau đớn và làm cún cưng bị nôn.
Triệu chứng dễ thấy nhất khi chó bị loét thực quản chính là chó bị nôn ra thức ăn. Mỗi khi nuốt thức ăn đều rên rỉ hoặc hú lên vì đau rát. Nếu tình trạng này kéo dài, chó sẽ sốt cao liên tục, bỏ ăn và sụt giảm cân nặng nghiêm trọng. Căn bệnh này dễ mắc nhất ở những chú cún nhỏ tuổi. Vì thế, chủ nuôi nên dẫn cún cưng đi thăm khám thường xuyên, đặc biệt là nội soi thực quản để có được những chẩn đoán chính xác nhất về mức độ nặng nhẹ của căn bệnh trên.
Chó bị nôn do dị ứng thức ăn

Cũng giống như con người, nếu như chó ăn phải những thức ăn không tiêu hoá được như các loại quả gây ngộ độc, thức ăn hỏng, ôi thiu, thức ăn quá nhiều dầu mỡ… dạ dày của chúng sẽ bị kích thích. Khi đó, chó bị nôn để bài trừ những thức ăn hoặc chất đó ra ngoài cơ thể.
Dị ứng thức ăn không chỉ khiến cún cưng bị nôn mà còn làm rối loạn enzym tiêu hóa trong cơ thể của chó và nhiều hậu quả nghiêm trọng khác. Vì thế, chất lượng bữa ăn của cún cưng chính là vấn đề cần được quan tâm hàng đầu khi bạn quyết định chăm sóc một chú chó.
Thức ăn cho chó trước hết phải đảm bảo vệ sinh, sau đó là đảm bảo hàm lượng dinh dưỡng đúng và đủ để chó phát triển toàn diện và khỏe mạnh. Mỗi chú chó có một sở thích ăn uống riêng, cũng có những món ăn mà chúng không thể dung nạp được. Vì thế hãy quan sát thói quen ăn uống của cún cưng để đưa ra một thực đơn phù hợp với chúng nhé! Theo các chuyên gia, cún cưng bị nôn thường do ăn phải các thức ăn quá nhiều dầu mỡ. Thế nên nếu như bạn tự nấu ăn cho chó tại nhà, bạn cũng nên chú ý lượng dầu mỡ vừa phải trong quá trình chế biến để chó không bị nôn.
Chó cũng thường bị nôn nếu như thay đổi chế độ ăn đột ngột, khi thức ăn mới không hợp khẩu vị và thói quen của chúng. Bởi vì hệ tiêu hoá của cún đã được thiết lập phù hợp với lượng thức ăn trước đó. Đặc biệt là những chú cún độ tuổi trung bình từ 2-2,5 tháng tuổi dễ bị rối loạn tiêu hoá do dị ứng thức ăn hơn chó trưởng thành. Bởi vì đây là giai đoạn cún con cần thay đổi chế độ ăn sang những loại thức ăn mới giàu dinh dưỡng hơn. Tuy nhiên, hệ tiêu hóa của chúng vẫn còn non nớt và chưa hoàn thiện, dễ bị mẫn cảm với thức ăn và việc bị nôn rất hay xảy ra.
Do đó, nếu bạn quyết định cho chó ăn một thực đơn mới, hãy thay đổi thức ăn từ từ để chúng có thể làm quen nhé! Trong trường hợp chó bị dị ứng với thức ăn mới, hãy dừng việc thay đổi thực đơn và hỏi xin tư vấn từ chuyên gia để lựa chọn loại thức ăn phù hợp với cún cưng nhà bạn.
Ngoài ra, việc nôn ói cũng xảy ra trong trường hợp chó ăn quá nhanh. Dịch mật không tiết ra kịp để tiêu hoá thức ăn khiến bụng bị đầy hơi và trào ngược thức ăn lên miệng dẫn đến cún cưng bị nôn. Điều này thường xảy ra ở những chú chó háu ăn. Để giải quyết tình trạng này, bạn có thể mua các loại bát ăn hình mê cung cho chó để giảm tốc độ ăn của chúng lại.
Chó bị nôn do các vấn đề thời tiết, môi trường

Thật là khó tin đúng không? Thời tiết và môi trường cũng là một trong những nguyên nhân phổ biến khiến các bé cưng bị nôn. Nếu như nắng nóng tột độ khiến con người cảm thấy đau đầu, chóng mặt thì những chú chó cũng bị “sốc nhiệt” không kém. Chúng có thể bị nôn ói, bỏ ăn khi thời tiết đột nhiên “đổ lửa”. Do đó, để hạn chế tác động từ tự nhiên đến sức khoẻ của thú cưng, bạn nên chủ động bổ sung nước, rau xanh cho chó nhiều hơn. Đặc biệt là không cho chó ra ngoài đường giữa trời nắng gắt.
Sự thay đổi đột ngột về môi trường như say xe, say tàu cũng là nguyên nhân khiến chó bị nôn. Đây đều là sự phản ứng tự nhiên của cơ thể chó khi thay đổi môi trường sống đột ngột. Đó là lý do những chú chó ngoại nhập khi “đặt chân” đến Việt Nam khó thích nghi với môi trường sống mới. Vì vậy, bạn nên tìm hiểu kỹ càng về nguồn gốc, môi trường sống nơi cún cưng được sinh ra khi chọn mua để xem chúng có thể sống khoẻ mạnh ở Việt Nam không nhé!
Cách chữa trị cho chó bị nôn?
Những chú cún đáng yêu không chỉ là thú cưng, là vật nuôi trong nhà mà còn là người bạn thân thiết đối với con người. Vì thế, chắc hẳn ai cũng không khỏi lo lắng khi em cún bỗng dưng nôn ói, mệt mỏi và rầu rĩ đúng không nào? Vì vậy, cách chữa trị cho bé cưng khi cún cưng bị nôn là điều mà hầu hết chủ nuôi chó quan tâm.
Tạm “cách ly” với thức ăn

Bước đầu tiên lộ trình chữa trị cho chó khi nôn bỏ ăn chính là “cách ly” cún cưng với thức ăn trong khoảng thời gian từ 12 đến 24 tiếng, tuỳ theo mức độ nghiêm trọng của bệnh. Bởi lẽ sau khi cún cưng bị nôn, niêm mạc dạ dày của chúng bị tổn thương và cực kỳ yếu, rất dễ bị kích thích. Việc cho chó ăn thức ăn ngay lập tức sẽ chỉ khiến chúng bị nôn nhiều hơn. Hơn nữa, bạn nên cho chó thời gian để bài trừ hết các chất độc, các thức ăn khó tiêu ra khỏi dạ dày của chúng để quá trình khôi phục sức khỏe diễn ra thuận lợi hơn.
Tuy nhiên, lưu ý rằng không nên cho chó ngừng ăn quá 12 tiếng đối với những dòng chó nhỏ. Khi đó, lượng axit dạ dày tiết ra quá nhiều mà không có thức ăn để tiêu hoá sẽ làm bào mòn niêm mạc dạ dày của chó, khiến chúng bị đau bao tử và gây ra nhiều hậu quả khó lường khác.
Trong suốt thời gian “cách ly” này, cần chú ý bổ sung nước liên tục cho cún cưng vì chó bị nôn rất nhanh bị mất nước. Đồng thời bổ sung thêm các chất điện giải cần thiết như Kali, natri. Nếu chó quá mệt không còn sức uống nước, bạn có thể nhờ bác sĩ thú y tiêm truyền khoáng chất để bổ sung thể lực cho bé cưng trong thời gian nôn ói, bỏ ăn. Bạn cũng có thể bổ sung dinh dưỡng thông qua nước luộc gà, luộc thịt heo… để bé cưng mau chóng hồi phục hơn.
Lưu ý rằng không nên cho chó uống quá nhiều nước một lần vì như thế sẽ khiến chúng bị đầy bụng, khó chịu và nguy cơ tần suất nôn sẽ tăng lên nhanh chóng hơn. Vì thế, hãy chia nhỏ lượng nước cần thiết thành nhiều lần uống, mỗi lần cách nhau khoảng 1 tiếng để cơ thể của cún luôn không bị mất nước nhé!
Ăn uống “nhẹ nhàng”

Sau khi cơ thể của cún cưng đã loại bỏ hết những chất độc hại trong cơ thể, bạn nên cho chúng “tập ăn” trở lại. Chế độ ăn trong giai đoạn này hết sức quan trọng. Bạn nên chia lượng thức ăn cần thiết thành nhiều bữa trong ngày, mỗi bữa ăn một ít để bổ sung năng lượng cho chó.
Giai đoạn này nên cho cún cưng ăn các loại thực phẩm nấu chín và dễ tiêu hóa như canh, cháo loãng. Thực đơn này nên kéo dài tối thiểu 1 tuần để chó có thời gian “phục sức”. Trong giai đoạn này, nên hạn chế cho chó ăn các thức ăn chứa chất đạm và chất béo. Bởi vì protein sẽ kích thích axit trong dạ dày tiết ra còn chất béo làm giảm liên kết giữa cơ dạ dày và thực quản, làm hạn chế khả năng tiêu hoá thức ăn của chó, khiến chúng lâu hồi phục hơn. Ngoài ra, bạn cũng có thể truyền Ringer Lactat, đường Glucose, Cafein 5% cho bé cưng để bổ sung thêm Vitamin B1, C.
Bổ sung dinh dưỡng

Sau khi thấy sức khỏe của cún cưng dần ổn định trở lại, chó không bị nôn trở lại, hãy từ từ thay đổi chế độ ăn như bình thường và bổ sung thêm các chất dinh dưỡng cần thiết như chất đạm, canxi. Bạn có thể nghiền nhỏ hoặc băm nhuyễn thịt, cá trộn chung với cơm nhão hoặc cháo để bao tử của chó dần dần thích nghi với việc co bóp và không phải hoạt động quá mạnh.
Khi chó hoạt bát và nhanh nhẹn, háu ăn trở lại, chứng tỏ chúng đã hoàn toàn bình phục. Lúc này bạn hãy cho chúng ăn thực đơn như thường ngày nhé. Tuy nhiên, hãy ưu tiên những món ăn tốt cho sức khoẻ như cơm trắng kèm theo gà luộc, thịt heo luộc, đồng thời bổ sung thêm chất xơ từ khoai lang, bí đỏ, cà rốt… Đối với những chú chó bị nôn do ăn quá nhanh, quá nhiều thì hãy điều chỉnh tốc độ ăn và lượng thức ăn mỗi bữa của chúng bằng cách chia nhỏ bữa ăn trong ngày ra nhé!
Tuy nhiên, nếu cún cưng bị nôn nhiều hơn và tiếp tục bỏ ăn thì bạn nên đưa bé cưng đến cơ sở y tế ngay để chẩn đoán và chữa trị kịp thời.
Khi nào chó bị ói cần đến ngay thú y?
- Nếu cún cưng bị nôn do nuốt phải dị vật sắc nhọn, không tiêu hoá được và cũng không thể loại bỏ ra ngoài cơ thể được, bạn cần chưa chúng đến thú y ngay lập tức để tiến hành phẫu thuật.
- Nếu cún cưng bị nôn liên tục trong hơn 2 giờ đồng hồ và vẫn không thuyên giảm trong vòng 1 ngày, dịch nôn có máu kèm theo tiêu chảy chứng tỏ tình trạng sức khoẻ của bé đang báo động, cần có sự hỗ trợ của bác sĩ thú y ngay.
- Chó bị nôn không ngừng, cơ thể mất nước nhanh, khó thở, thở hổn hển, sốt cao, đi đứng không vững.
Cách chăm sóc chó bị nôn

Bên cạnh chế độ ăn điều trị cho chó, bạn cũng nên tường tận cách chăm sóc đúng đắn cho các bé cưng để quá trình hồi phục sức khoẻ diễn ra nhanh chóng và thuận lợi hơn.
Sau mỗi lần cún cưng bị nôn, hãy lau những dịch nôn bị vướng lại trên khóe miệng của cún cưng bằng khăn mềm, ấm để bé yêu cảm thấy thoải mái hơn. Những vết nôn còn có mùi khó chịu nên việc lau sạch sẽ giúp cún cưng thơm tho hơn, vừa giữ vệ sinh cho bé cưng, vừa giúp ngôi nhà của bạn không bị bốc mùi khó chịu.
Bên cạnh đó, bạn cũng nên vệ sinh, dọn dẹp chỗ ở của thú cưng bao gồm giường nệm, chăn đắp, đồ chơi,… định kỳ bằng dung dịch khử trùng để hạn chế vi khuẩn xâm nhập và tránh lây nhiễm mầm bệnh (nếu có) sang các vật nuôi khác trong gia đình.
Chó bị nôn, bỏ ăn cũng làm giảm sức đề kháng tự nhiên trong cơ thể. Do đó, cún cưng trở nên nhạy cảm và mong manh hơn, dễ bị lạnh và mệt mỏi hơn. Chính vì vậy, bạn nên giữ ấm cho chó bằng chăn mềm để chúng yên tâm nghỉ ngơi dưỡng bệnh.
Hơn hết, bạn nên tiêm phòng định kỳ theo chỉ định của bác sĩ ngay khi bé cưng còn nhỏ để phòng các bệnh liên quan đến virus và vi khuẩn khiến cún cưng bị nôn. Chó là loài động vật rất thông minh, nhạy bén với cảm xúc của con người. Vì thế, bạn nên dành sự quan tâm và tình thương nhiều hơn cho cún cưng khi chúng ốm đau, tiếp thêm niềm tin và sức mạnh cho bé cưng để chúng nhanh chóng lành bệnh hơn nhé!
Trên đây là những thông tin chi tiết về nguyên nhân và cách điều trị chó bị nôn. Chó bị nôn là vấn đề tiềm ẩn nhiều nguy hiểm đến sức khoẻ của thú cưng mà chủ nuôi không nên bỏ qua. Mong bài viết trên đây sẽ giúp bạn nhận biết bệnh dễ dàng hơn khi cún cưng bị nôn nhằm xác định hướng giải quyết đúng đắn và kịp thời.