Bệnh care ở chó không phải là loại bệnh hiếm. Không chỉ có khả năng lây nhiễm nhanh, bệnh care còn cực kỳ nguy hiểm và có tỷ lệ tử vong cao. Hiện nay, các nhà nghiên cứu vẫn chưa thành công trong việc điều trị triệt để bệnh care cho chó. Vì thế, tốt nhất là các chủ nuôi cần biết cách phòng tránh bệnh care cho chú chó nhà mình. Nếu vô tình chó bị nhiễm bệnh, chủ nuôi cũng nên nhận biết các dấu hiệu bệnh từ sớm để chữa trị nhanh chóng, kịp thời. Tránh tình trạng bệnh biến chứng nghiêm trọng, đến giai đoạn cuối thì không thể cứu vãn được nữa. Đọc bài viết sau để tìm hiểu cách nhận biết và điều trị cho chó bị care.

Bệnh care ở chó là gì? 

Bệnh care ở chó
Bệnh care là căn bệnh truyền nhiễm cực kỳ nguy hiểm đối với loài chó

Bệnh care ở chó có tên khoa học là Canine Distemper. Ở Việt Nam, bệnh care còn được biết đến với cái tên bệnh Sài sốt chó. Năm 1905, virus gây bệnh Sài sốt chó “hoành hành” khắp các nước châu Âu, châu Á, châu Mỹ đã được Care tìm ra. Từ đó, virus này được đặt theo tên nhà nghiên cứu này. Đến năm 1925, bệnh care mới bắt đầu được biết đến ở Việt Nam. 

Bệnh Care là một loại bệnh truyền nhiễm thông qua đường hô hấp, tiêu hóa của động vật. Do virus Canine distemper, thuộc họ Paramyxoviridae, giống Morbillivirus gây ra ở loài chó. Họ của loại virus này cùng loại với virus gây ra bệnh quai bị và bệnh sởi ở người. Bên cạnh loài chó, một số loài động vật hoang dã như gấu trúc, sói, cáo và chồn cũng có thể bị mắc bệnh care nếu tiếp xúc với động vật bị nhiễm bệnh.

Khả năng truyền nhiễm của bệnh care cực kỳ cao. Bệnh care phát triển mạnh mẽ ở những chú chó sống ở vùng khí hậu mát mẻ. Đồng nghĩa với việc virus cực kỳ nhạy cảm với môi trường nhiệt độ cao. Virus bệnh care thậm chí có thể bị tiêu diệt khi tiếp xúc với các chất tẩy rửa hoặc dung môi có chứa ether, chloroform, lipid và các chất khử trùng amoni bậc bốn.

Theo chuyên gia, virus bệnh care ở chó có thể tồn tại ở khắp mọi nơi. Từ không khí, nước uống, thức ăn hay vật dụng cá nhân của động vật nhiễm bệnh. Virus bệnh care cũng lưu trú trong các chất thải bài tiết của động vật bị mắc bệnh care trong vòng 90 ngày. Do đó, cách tốt nhất để phòng bệnh care chính là tiêm phòng cho cún cưng theo chỉ định của bác sĩ. 

Là một bệnh truyền nhiễm khá nguy hiểm nhưng may mắn là bệnh care ở chó không lây nhiễm sang cho người như một số bệnh ngoài da ở chó khác. Do đó, bạn không phải lo lắng về sức khoẻ của các thành viên trong gia đình khi cún cưng nhà bạn mắc bệnh care. 

Tuy nhiên, virus bệnh care có thể lây nhiễm sang cho những vật nuôi khác, qua đường hô hấp hoặc tiêu hoá. Chẳng hạn như sống chung phòng, dùng chung khay ăn, nước uống,… Chính vì vậy, khi phát hiện ra một chú cún cưng bị bệnh care, hãy cách ly bé với các vật nuôi khác nhé!

Thực tế chứng minh tỉ lệ tử vong của chó do bệnh care còn cao hơn cả Parvo – một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Đối với những chú chó chưa được tiêm phòng, tỷ lệ tử vong lên tới 85-90%. Nếu khỏi bệnh, chúng cũng sẽ phải chịu những di chứng nghiêm trọng.

Mặc dù đã “lộ diện” từ rất sớm nhưng cho đến nay, các nhà nghiên cứu vẫn chưa chế tạo thành công loại thuốc điều trị bệnh care ở chó một cách triệt để. Vì thế, bệnh care đã trở thành “nỗi ám ảnh” của nhiều chú chó lẫn chủ nuôi. Bởi khả năng lây nhiễm và những hậu quả khủng khiếp nó gây ra.

Cơ chế gây bệnh care ở chó

Bệnh care ở chó
Virus gây bệnh tác động đến toàn bộ cơ quan trong cơ thể của chó

Thông thường, virus gây bệnh care xâm nhập cơ thể chó qua tiếp xúc ngoài da, qua đường hô hấp hoặc đường tiêu hoá. Nguy cơ lây nhiễm càng tăng khi chó khoẻ mạnh sống chung cùng với chó bị nhiễm bệnh. Dùng chung khay ăn, nước uống, khay vệ sinh nên bị nhiễm nước mũi, nước tiểu chứa virus của chó bị bệnh.

Thông qua niêm mạc đường hô hấp, hệ tiêu hóa hoặc bạch huyết của hệ miễn dịch, virus gây bệnh care “bước vào” hệ thống lâm ba trong cơ thể người và sinh trưởng ở đó. Tiếp đến vào máu người gây ra tình trạng bại huyết và sốt kéo dài từ 1-2 ngày. Cơn sốt cao không dưới 40 độ C. Sau đó, virus bệnh care sẽ theo máu phân tán ra khắp cơ thể. 

Đợt sốt thứ 2 nặng hơn. Do sức đề kháng đã bị giảm sút đáng kể nên kéo dài từ 3-4 ngày bởi các vi khuẩn gây kế phát như Bordetella, Staphylococcus, Streptococcus, Salmonella, Bronchiseptica, Ecoli. 

Cơn sốt này dẫn tới nhiều biến chứng cực kỳ nghiêm trọng như viêm phổi, viêm phế quản, viêm ruột thể Cata và viêm não. Virus gây bệnh care có khả năng mã hóa các chuỗi protein, đồng thời hợp nhất các loại tế bào trong cơ thể khiến sức khỏe của cún bị sụt giảm nhanh rõ rệt. 

Thời gian ủ bệnh care ở chó thông thường kéo dài từ 3-6 ngày. Một số trường hợp bệnh ủ khá lâu, từ 17-21 ngày và tối đa là 5 tuần. Mức độ nghiêm trọng của bệnh tùy thuộc vào thời gian virus “tàn phá” cơ thể và khả năng miễn dịch của chó. Vì thế, phát hiện càng sớm, điều trị càng kịp thời, cún cưng sẽ càng nhanh chóng khỏi bệnh, tránh các biến chứng nguy hiểm về sau. 

Bệnh care ở chó có chữa được không?  

Chữa trị sớm để tránh các biến chứng nguy hiểm về sau

Bệnh care là một căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm đối với thú cưng. Với tốc độ lan truyền nhanh, những tác hại khôn lường, chó mắc bệnh care phải chịu nhiều tổn thương và đau đớn kinh hoàng. Tuy nhiên, đến hiện tại khoa học vẫn chưa thành công nghiên cứu ra thuốc đặc trị cho bệnh care ở chó. 

Tuy nhiên, nếu phát hiện sớm và điều trị kịp thời, đúng cách, kèm theo cách chăm sóc hợp lý thì bệnh care ở chó vẫn có thể chữa trị được. Hơn nữa, đa số chó bị bệnh care chuyển sang giai đoạn nặng mới được chủ nuôi phát hiện. Do đó, bạn cần kiên trì chữa trị cho chó vì bệnh care cần khá nhiều thời gian mới khỏi.

Hiệu quả của việc điều trị tuỳ thuộc chủ yếu vào bệnh care đang diễn tiến đến giai đoạn nào. Dễ chữa lành nhất là bệnh care ở giai đoạn đầu. Dấu hiệu bệnh ở giai đoạn này cũng khá ít, chó bị biếng ăn và đi ngoài phân màu vàng. Chỉ cần 2-4 ngày điều trị, các triệu chứng cũng như bệnh care đều thuyên giảm và biến mất. Tuỳ vào cách chăm sóc mà thời gian chó phục hồi sức khoẻ sẽ nhanh chóng hơn.

Lưu ý rằng bệnh càng ủ lâu thì càng khó chữa. Những chú chó bị bệnh care ơ giai đoạn cuối có nguy cơ tử vong cực kỳ cao. Vì thế, hãy chú ý đến các biểu hiện bất thường ở chó, đưa chó đi khám bệnh và chữa trị ngay lập tức để tránh trường hợp không thể cứu chữa. 

Độ tuổi dễ mắc bệnh care ở chó

Bệnh care ở chó
Chó con dễ mắc bệnh care hơn do sức đề kháng còn yếu

Mọi giống chó ở mọi lứa tuổi đều có nguy cơ bị nhiễm và lây nhiễm bệnh. Đặc biệt là những chú cún con từ 3-6 tháng tuổi. Đây là giai đoạn cơ thể cún con còn non yếu, kháng thể và hệ miễn dịch không đủ mạnh mẽ trước sự tàn phá của virus. 

Đối với những giống chó nhập ngoại thì độ tuổi dễ mắc bệnh nhất là từ 2-12 tháng tuổi. Đặc biệt là những chú chó con không rõ nguồn gốc nhập từ Trung Quốc. Nếu chó con tuổi này mắc bệnh care, tỷ lệ tử vong của chúng rơi vào mức từ 90 – 100%. 

Những chú chó trưởng thành cũng có nguy cơ mắc bệnh care nếu không được tiêm chủng định kỳ. Bởi việc tiêm chủng giúp nâng cao khả năng miễn dịch và ngăn ngừa sự “xâm nhập” của virus. 

Bệnh care xảy ra quanh năm nhưng xuất hiện nhiều nhất là khi thời tiết có sự thay đổi. Đặc biệt là khi trời nồm và mưa nhiều, độ ẩm cao. Đây là điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của virus gây bệnh care ở chó.

Nguyên nhân bệnh care ở chó

Bệnh care ở chó
Thời điểm giao mùa là lúc có nguy cơ bùng dịch bệnh care ở chó

Chó mắc bệnh care do nhiều nguyên nhân khác nhau. Bạn cần xác định lý do chó bị bệnh để cách ly chó với nguồn lây nhiễm, tránh bệnh diễn biến nghiêm trọng hơn. 

  • Chó bị bệnh do chưa tiêm vắc xin, hoặc tiêm vắc xin trong thời gian đang bị bệnh, hệ miễn dịch kém nên không có hiệu quả. Khi đó, chỉ cần tiếp xúc ngoài da với chó bị bệnh care, cún cưng nhà bạn sẽ cũng có nguy cơ cao bị nhiễm bệnh. 
  • Chó bị bệnh thông qua dịch cơ thể: Nếu như chó khoẻ mạnh sống chung với chó bị mắc bệnh care và vô tình tiếp xúc với các vật trung gian có chứa dịch nhầy cơ thể chứa virus Care. Chúng sẽ bị nhiễm bệnh ngay lập tức.
  • Chó bị bệnh do lây truyền từ mẹ sang con. Virus gây bệnh care không lây truyền từ chó mẹ sang chó con khi chó con đang còn trong bụng mẹ. Trường hợp này khá hiếm vì thông thường, chó đang mang thai mà bị mắc bệnh care đều bị sảy thai hoặc thai chết lưu. Chó bị bệnh do lây truyền từ mẹ sang con khi chó mẹ đang chăm con bú. Thông qua qua đường hô hấp hoặc qua tuyến sữa, virus gây bệnh từ chó mẹ sẽ xâm nhập vào cơ thể cún con.
  • Chó khỏe mạnh nếu tiếp xúc với nước mắt, nước bọt, dịch mũi, nước tiểu, phân của chó bị bệnh cũng có nguy cơ bị lây nhiễm. 

Vào thời điểm giao mùa, khi thời tiết thường xuyên thay đổi thất thường, môi trường ẩm ướt, vi khuẩn gây ra bệnh care phát triển cực kỳ mạnh mẽ ở những vùng ô nhiễm. Vì vậy, bạn nên thực hiện các biện pháp phòng ngừa bệnh cho chó nghiêm ngặt trong khoảng thời gian này. 

Các giai đoạn bệnh care ở chó

Bệnh care ở chó thời kỳ đầu

Bệnh care ở chó
Chảy nước mũi là một trong những dấu hiệu chó bị bệnh care

Ban đầu, chó mắc bệnh chỉ bị biếng ăn, ho nhẹ, chảy nước mũi, nước mắt nhiều hơn bình thường. Chúng sẽ bị sốt cao liên tục trong 2 – 3 ngày. Và cơn sốt sẽ giảm dần sau đó. Ngoài ra, chó cũng có thể bị tiêu chảy và nôn mửa. 

Bệnh care ở chó thời kỳ trung bệnh 

Sau 7 – 14 ngày ủ bệnh, sốt cao, thân nhiệt của chó sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao, lên tới hơn 40 độ C. Chó bỏ ăn, chảy nước mũi nhiều có dịch nhầy, ho khan như bị hóc xương. Đường hô hấp cũng bị ảnh hưởng khi chó thở gấp hơn, giác mạc đỏ hồng, rát, mắt ướt hoặc loét.

Bệnh care ở chó thời hậu kỳ

Lúc này, chó không còn sốt nữa, thân nhiệt hạ về mức bình thường hoặc vẫn còn sốt nhẹ. Nước mũi ngừng chảy mà khô dần thành dạng mủ. Nước mắt cũng khô thành mủ, lở loét nhiều. Thậm chó dử mắt quá nhiều nên chó không thể mở được mắt. Ăn ít, kén ăn nên cơ thể bị suy nhược, gầy ốm yếu, mệt mỏi nên lười vận động. Chó vẫn bị tiêu chảy, nhưng phân chó bị nát lẫn với máu.

Ngoài da của chó mắc bệnh care cũng xuất hiện biểu hiện lạ như đế chân của chó dần dày lên. Do một số chủng virus gây ra bệnh care làm giãn nở bất thường miếng đệm da của bàn chân cún cưng. Các nốt như hạt gạo màu hồng xuất hiện trên da vùng bụng, bẹn trong.

Bệnh care ở chó thời kỳ cuối 

Bệnh care ở chó
Nguy cơ tử vong khi chó bị bệnh care ở giai đoạn cuối là cực kỳ cao

99% chó mắc bệnh care được phát hiện ở giai đoạn cuối không còn có khả năng cứu chữa. Bởi lẽ bệnh care ở chó không chỉ đơn thuần ảnh hưởng đến một bộ phận nhất định mà toàn bộ mọi cơ quan trên cơ thể chó đều bị tàn phá nghiêm trọng. Từ hệ thống hô hấp, hệ tiêu hóa, hệ tiết niệu đạo cho đến hệ thần kinh. Khả năng miễn dịch của chó vì thế sụt giảm “siêu tốc”, tạo điều kiện cho các virus gây bệnh khác phát triển.

Khi đó, chó bỏ ăn hoàn toàn, kèm theo tiêu chảy cấp nên suy dinh dưỡng nghiêm trọng, cơ thể yếu ớt. Bụng hóp lại, giơ xương, mắt trũng sâu và lông thì xơ xác. Chó nằm một chỗ, không có sức vận động. Sau 10 ngày trở lên, chó sẽ có các biểu hiện co giật, sùi bọt mép do thần kinh bị tổn thương nặng nề. Não và tủy sống cũng bị tác động dẫn đến hiện tượng chó bị động kinh, tê liệt, và loạn dưỡng. 

Bệnh care ở chó không đơn thuần tác động lên một bộ phận nhất định mà còn gây sức ép lên toàn bộ các cơ quan trên cơ thể của thú cưng khiến khả năng miễn dịch giảm nhanh chóng, tạo điều kiện cho các bệnh cơ hội khác phát triển.

Virus care phát triển rất nhanh. Nếu không tiến hành điều trị sớm, chó có thể tử vong chỉ từ 2-5 tuần sau khi bị nhiễm virus gây bệnh care. 

Triệu chứng bệnh care ở chó

Chó bị sốt quy luật

Bệnh care ở chó
Chó bị sốt cao kéo dài liên tục

Sốt cao kéo dài là một trong những triệu chứng đầu tiên của bệnh care ở chó. Khi này, hệ miễn dịch phải hoạt động tích cực để “đẩy lùi” lượng virus xâm nhập vào cơ thể để bảo vệ sức khoẻ của chó. Chó sốt cao liên tục 1-2 ngày, nhiệt độ cơ thể lên tới 40-41 độ C. Sau đó, cơn sốt giảm dần, thân nhiệt của chó hạ xuống còn 38-39 độ C. 

Tuy nhiên, chó sẽ bắt đầu cơn sốt thứ 2 không lâu sau đó kéo dài từ 3-4 ngày. Khi đó, bệnh care ở chó đã chuyển biến nghiêm trọng hơn. Vi khuẩn bắt đầu bội nhiễm mạnh mẽ trong cơ thể của cún cưng. 

Sốt cao còn kèm theo các triệu chứng khác, tương tự như dấu hiệu bị bệnh cảm cúm. Do đó, nhiều chủ nuôi không phát hiện ra chó bị mắc bệnh care sớm. Bệnh care ở chó còn khiến chó có cảm giác chán ăn, ăn nhưng không tiêu và nôn không kiểm soát. 

Sau khi trải qua hai cơn sốt cao kéo dài, các triệu chứng bệnh care ở chó sẽ trở nên rõ ràng hơn. Lúc này, virus gây bệnh đã xâm nhập vào các hệ cơ quan thiết yếu của cơ thể người như hệ hô hấp, hệ tiêu hóa, thậm chí là hệ thần kinh. Chúng sinh sôi, phát triển không ngừng khiến chó vô cùng đau đớn và khó chịu. 

Triệu chứng ngoài da

Bệnh care ở chó
Các triệu chứng ngoài da khi chó bị bệnh care

Chó bị bệnh care thường bị nổi mẩn đỏ và ngứa ngáy ở những vùng da mỏng và ít lông như đùi, bụng, ngực. Nếu để lâu không chữa trị, những vết mẩn đỏ sẽ biến thành những nốt sài to bằng hạt đậu. Đây thực chất là ổ vi khuẩn tích tụ lại trên da, gây viêm da. Da bị bội nhiễm nên mềm ra, bên trong có dịch mủ. Nếu vỡ ra sẽ làm lông bết lại và có mùi hôi khó chịu. 

Nếu như những nốt sài này khô lại thay vì bị vỡ ra, chúng sẽ đóng thành vảy rồi bong tróc ra. Trường hợp này có dấu hiệu tích cực hơn. Vì dù vết thương hở nhưng lại có thể chữa trị nhanh chóng.

Bạn cũng có thể quan sát phần da ở mõm và bàn chân của chó để nhận biết bệnh care ở chó. 80-90% chú chó mắc bệnh care đều bị da tăng sinh. Đây là hiện tượng vùng da bị dày lên bất thường và đột ngột, khiến da bị rạn nứt gây đau rát. Do đó chó gặp khó khăn trong việc di chuyển.

Ảnh hưởng hệ tiêu hóa

Chó bị tiêu chảy liên tục, đi ngoài ra máu

Hệ tiêu hóa của chó bị ảnh hưởng nghiêm trọng khi chó mắc bệnh care. Triệu chứng phổ biến chính là chó bị biếng ăn, nôn mửa do bệnh viêm đường ruột và viêm dạ dày. Chó bi nôn hết lượng thức ăn trong dạ dày, nôn khan rồi cuối cùng là nôn ra dịch vàng. 

Nếu như chó bị nôn quá nhiều, cơ thể của chúng sẽ bị mất nước rất nhanh. Đồng thời kiệt sức khi không được cấp nước bổ sung. Không chỉ bị nôn mà chó còn bị tiêu chảy liên tục. Giai đoạn đầu, do cơ thể mất đi lượng lớn chất điện giải nên mắt chó bị trũng, da nhăn nheo và cơ thể gầy gò đi rõ rệt. 

Phân của chúng khá lỏng, có màu vàng xám lẫn niêm mạc dạ dày, kèm theo chất nhầy và mùi hôi khó chịu. Giai đoạn tiếp theo, phân chó chuyển sang màu đen, lẫn với máu khô. Nếu như phát hiện chó đi ngoài có mùi hôi đậm đặc hơn thường ngày, bạn nên quan sát kỹ các dấu hiệu bất thường của chó. Bởi virus gây bệnh care ở chó thường tích tụ ở các chất bài tiết của động vật như phân hoặc nước tiểu. Đây cũng là nguồn lây nhiễm bệnh care cho các vật nuôi khác theo dịch tễ học cho căn bệnh này.

Đến giai đoạn cuối, chó đi ngoài phân lỏng và kèm máu tươi. Chúng thậm chí không tự chủ được việc đi vệ sinh. Khả năng hồi phục sức khoẻ cũng giảm sút trầm trọng do viêm đường tiêu hóa nặng. Điều này khiến cơ thể chó nhanh chóng bị tê liệt, kiệt sức, thậm chí có thể tử vong sau đó vài ngày nếu chó có sức đề kháng yếu.

Ảnh hưởng hệ hô hấp 

Chó bị bệnh care có nguy cơ mắc bệnh viêm phổi cấp tính cực kỳ cao. Ở giai đoạn đầu, bệnh care ở chó thường gây ra viêm thanh quản, viêm phổi, viêm phế quản. Mũi của chó thường xuyên chảy ra dịch nhầy. 

Bệnh càng lâu, dịch càng cô đặc kèm theo máu đen làm tắc đường thở của chó, gây nên triệu chứng chó bị khó thở. Lúc này, bệnh care ở chó đã chuyển sang giai đoạn 2. Bạn có thể cảm nhận nhịp thở của chó tăng nhanh, đứt quãng rõ rệt, chó thở khò khè không thành hơi. Ngoài ra, chúng còn bị sùi bọt ở mép. 

Đến giai đoạn cuối, hầu hết chó bị care đều bị viêm phổi cấp tính. Khi gõ vào phổi của chó sẽ có âm đục. Hơi thở của cún cưng hơi âm ran ướt.

Triệu chứng thần kinh 

Bệnh care ở chó
Chó bị trầm cảm, ủ rũ, không muốn vận động

Nếu chó có các triệu chứng thể thần kinh, chứng tỏ bệnh care ở chó đã bước sang giai đoạn cuối. Cơ thể của chó đã hoàn toàn bị virus gây bệnh khống chế. Khi đó, chó sẽ có các biểu hiện thần kinh bất thường. 

Tuỳ thuộc vào vùng não và tuỷ bị virus “tàn phá”, chó bị bệnh care sẽ có những biến chứng khác nhau. Cún cưng luôn buồn rầu, ủ rũ, ngại ánh sáng và hầu như rơi vào trạng thái trầm cảm. Các cơn co giật diễn ra liên tục ở bắp thịt, chân hoặc toàn thân khiến cho chó đi đứng xiêu vẹo, run rẩy, dễ ngã và không thể kiểm soát được việc di chuyển của mình.

Các dây thần kinh trung ương bị ảnh hưởng nghiêm trọng nên chó không thể kiểm soát được các hành động, cơ của mình. Chúng bị méo mặt, cơ mặt bị mất kiểm soát, mắt to mắt nhỏ. Chó tự động đại, tiểu tiện mà không ý thức được. Đôi khi bị động kinh, miệng cắn bất kỳ thứ gì ở gần miệng mà không tự chủ được. 

Đến giai đoạn cuối của bệnh, chó sẽ bị rơi vào trạng thái bại liệt, tứ chi bất hoạt giống như bệnh dại. Sau đó, khả năng kiểm soát nhịp tim của chó cũng bị mất đi nên tim đập nhanh chậm thất thường, thân nhiệt hạ dần rồi tử vong. Nếu có thể chữa lành thì chó cũng bị những di chứng: gầy còm, đi đứng không vững, điếc, đau mắt….

Bên cạnh đó, các cơ quan nghe nhìn của chó cũng bị virus bệnh care thể thần kinh “tàn phá” gây ra tình trạng mù và điếc ở chó.

Triệu chứng ở mắt 

Một trong những biểu hiện bệnh care ở chó là bệnh viêm niêm mạc mắt. Virus gây bệnh xâm nhập vào niêm mạc mắt của chó, gây viêm nhiễm cục bộ. Tuyến lệ của chó vì thế mà không ngừng tiết ra nước mắt. 

Ở giai đoạn đầu, nước mắt của chó có màu trong như bình thường. Bệnh càng kéo dài, nước mắt càng có màu đục dần như mủ. Đến giai đoạn cuối, mắt chó bị loét sần, niêm mạc đục mờ và thậm chí có thể gây mù loà. 

Đường sinh dục

  • Đối với con đực, chó thường bị viêm niêm mạc túi dương vật. 
  • Đối với con cái đang mang thai, chúng rất dễ bị sảy thai.

Phân biệt bệnh care ở chó với các bệnh khác

Bệnh care ở chó
Bệnh care khá khó nhận biết
  • Bệnh cảm mạo: các triệu chứng giống bệnh care ở giai đoạn đầu.
  • Chó bị viêm phổi: triệu chứng phổ biến là sốt cao, khó thở, tạo ra âm thanh khò khè. Chó thường bị viêm phổi khi thời tiết thay đổi, đặc biệt là vào mùa lạnh. Chỉ cần điều trị từ 5-7 ngày bằng kháng sinh đặc hiệu thì triệu chứng bệnh sẽ giảm và khỏi.
  • Chó bị tiêu chảy: chó có thể bị sốt, ỉa chảy do nhiễm khuẩn từ môi trường sống hoặc thức ăn không đảm bảo vệ sinh. Bạn nên cung cấp nước và các chất điện giải cho chó kết hợp với điều trị bằng kháng sinh đặc hiệu để chó nhanh khoẻ. Thông thường, bệnh sẽ hết sau 7-10 ngày điều trị. 
  • Chó bị Parvo: các triệu chứng của chó bị Care với chó bị Parvo khá tương đồng với nhau, đều có bị tiêu chảy và mùi phân tanh khó chịu. Tuy nhiên, lượng phân của chó bị bệnh care chỉ ở mức trung bình còn lượng phân của chó bị bệnh Parvo khá nhiều, phân loãng như nước. Bệnh Parvo có nguy cơ tử vong cao hơn bệnh care ở chó do thời gian ủ bệnh và phát bệnh cực kỳ nhanh. Chỉ 1 – 4 ngày sau khi bị nhiễm bệnh, chó có thể bị tử vong ngay lập tức.
  • Bệnh viêm gan do virus ở chó: Bụng chương to do gan của chó bị sưng, báng nước. Bệnh viêm gan ở chó làm niêm mạc mắt bị viêm nặng hơn virus gây bệnh care.
  • Bệnh dại: có thể phân biệt với bệnh care ở chó bằng cách lấy não làm tiêu bản.

Chăm sóc cho chó mắc bệnh care

Chăm sóc đúng cách để chó nhanh chóng lành bệnh

Chó bị bệnh care đều bị chán ăn, ăn khó tiêu. Do đó, bạn nên cho chó ăn các thức ăn dạng lòng, nhuyễn và nhiều chất dinh dưỡng như cháo nấu với thịt nạc xay. Nên cho chó ăn nhạt, có thể bổ sung chất điện giải bằng cách thêm một chút muối. Tuy nhiên không nên cho chó ăn mặn quá. 

Nếu cún cưng không chịu ăn, bạn có thể bơm cháo loãng cho cún bằng xi lanh. Bạn cũng nên bổ sung nước đường cho chó khi chó mắc bệnh care. Lưu ý là không cho chó uống sữa và sử dụng các chế phẩm từ sữa nhé!

Nếu phát hiện bệnh care ở chó từ sớm, bạn có thể tắm cho chó vào ngày nắng ráo bằng thuốc diệt khuẩn để ngăn chặn sự phát triển của virus gây bệnh. Chú ý rằng tắm cho chó bằng nước ấm, và sau khi tắm phải sấy khô lông cho chó để nó không bị cảm lạnh nhé! Việc phơi nắng thường xuyên cũng giúp chó giữ tâm trạng thư thái và nhanh lành bệnh hơn. 

Bên cạnh đó, việc khử khuẩn và dọn phế phẩm mà chó thải ra như nước dãi, phân, mủ,… cũng vô cùng quan trọng trong việc chăm sóc cún cưng bị bệnh. Hãy giữ vệ sinh nơi ở của cún cưng để hạn chế virus và vi khuẩn có điều kiện phát triển, tránh mùi hôi cơ thể của chó đậm đặc hơn. 

Nếu như được chăm sóc đúng cách, cẩn thận, chỉ sau 2 – 4 tuần điều trị, chó bị bệnh care có thể khỏi bệnh. Sau khi chó hết bệnh, bạn vẫn nên chú ý đảm bảo tuân theo chế độ ăn uống, nghỉ ngơi, uống thuốc theo chỉ thị của bác sĩ để phòng trường hợp bệnh tái lại.

Nếu như bạn không biết cách cũng không có đủ thời gian để chăm sóc chó bị bệnh, cách chữa trị bệnh care ở chó hiệu quả nhất là đưa cún cưng đến cơ sở thú y gần nhất. Ở đó, chó sẽ được cách ly, chẩn đoán, chữa trị và chăm sóc bởi đội ngũ y tá, bác sĩ thú y giàu kinh nghiệm. Bởi việc chữa trị sai cũng là một trong những nguyên nhân khiến nhiều chú chó bị tử vong do bệnh care. 

Nếu chó chán ăn, ăn không ngon, bạn có thể thử sức nấu ăn tại nhà cho chó bằng món cháo thịt bằm. Cháo đầy đủ gồm thịt băm, rau trộn, giúp nâng cao sức đề kháng. Nếu không thể nào ăn được, hoặc vừa ăn vào liền nôn ra ngay lập tức. Bạn có thể truyền dịch Inosine kết hợp với vitamin C và 10% glucose…

Cách chữa trị bệnh care ở chó

Bệnh care ở chó là nỗi ám ảnh của cộng đồng nuôi thú cưng trên toàn thế giới. Đến nay, các nhà khoa học vẫn chưa nghiên cứu thành công cách chữa bệnh care ở chó một cách triệt để. Do đó, để ngăn ngừa tỷ lệ tử vong cũng như các di chứng do bệnh care ở chó, các bác sĩ thú y thường cấp thuốc trị bệnh care dựa trên các triệu chứng lâm sàng. 

Chữa bệnh care ở chó bằng thuốc kháng viêm

Bệnh care ở chó
Tiêm thuốc kháng viêm theo chỉ định của bác sĩ thú y
  • Dùng thuốc OXYTETRACYCLINE hoặc KANAMYCIN hoặc AMOXYCILLIN trong 3-5 ngày, mỗi ngày tiêm 1 lần vào bắp chân.
  • Bạn cũng có thể cho cún cưng uống thuốc trị viêm loét ruột, kèm theo nước mật ong pha bột nghệ để giảm viêm loét. Bạn có thể nghiền nhỏ thuốc, sau đó hòa tan với nước rồi cho chó uống.
  • Tiêm thuốc Ribavirin có tác dụng chống lại các loại virus nguy hiểm. Tiêm mỗi ngày hai lần, mỗi lần một ống (2ml) vào vùng da ở cổ, không cần pha loãng. 
  • Thuốc kháng sinh Cefoperazone thế hệ 3: Mỗi ngày tiêm 2 lần, mỗi lần tiêm cần hòa tan 1g thuốc vào 4ml nước diệt khuẩn. Tiêm vào dưới da của chó.
  • Nếu phát hiện bệnh sớm, virus gây bệnh xâm nhập chưa quá 2 ngày thì bác sĩ thú y có thể tiêm vắc xin Nobivac DH cho chó. Thuốc này có tác dụng nâng cấp hệ miễn dịch tự nhiên của cơ thể chó, giúp chó thêm mạnh mẽ chống chọi với căn bệnh nguy hiểm này.

Bệnh care ở chó gây ảnh hưởng tiêu cực đến nhiều hệ cơ quan trong cơ thể chó. Vì thế, để nâng cao hiệu quả điều trị, cũng như đảm bảo sức khỏe cho chó, các y bác sĩ thú y phải kết hợp đồng thời nhiều giải pháp trị liệu tổng hợp. Từ đó ngăn chặn nguy cơ nhiễm trùng kế phát diễn ra.

Nếu chó bị tiêu chảy và nôn mửa kéo dài, bạn nên cho chó tiêm truyền chất lỏng từ 10-20ml dung dịch/1 kg thể trọng nhằm bổ sung chất điện giải, bù nước, bù khoáng đã mất. Bạn nên chú ý quan sát các biểu hiện của cún cưng trong khi truyền dịch. Nếu chó nguy cơ bị shock, nên dừng truyền dịch vào cơ thể chúng. 

Truyền dịch Lactate ringer, Glucose hoặc Vimelyte IV để bổ sung nước, chất khoáng đã mất đến các cơ quan trong cơ thể của chó. Từ đó hỗ trợ tái lập các nhu động tế bào, hạn chế ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung ương.

Đối với những chú chó bị nôn mửa cấp hay có các triệu chứng lâm sàng liên quan đến hệ hô hấp cách điều trị bệnh care hiệu quả nhất chính là sử dụng các liều thuốc kháng sinh theo chỉ định dành cho các triệu chứng của bệnh hô hấp cấp như khó thở hay nôn mửa.

Do vẫn chưa có thuốc kháng sinh đặc trị bệnh care ở chó, do đó các chủ nuôi nên nhận tư vấn từ bác sĩ trước khi dùng thuốc cho chó. Ngoài ra, cách tốt nhất để chống chọi với những căn bệnh liên quan đến virus là nâng cao hệ miễn dịch khỏe mạnh. Hệ miễn dịch càng cao, khả năng lây nhiễm và nhiễm bệnh càng giảm. 

Chữa bệnh care ở chó bằng thuốc kháng vi khuẩn

Một số loại thuốc kháng sinh có thể sử dụng như Vime-Tobra, Vimexyson C.O.D, Spectylo, Amoxi 15 % LA, Lincocin 10%… Kết hợp với các thuốc bồi dưỡng, trợ sức để trị nhiễm khuẩn kế phát cho bệnh care ở chó như Vitamin C, Paravet, Atropin, B. complex fortified, Na.campho… 

Ngoài ra, để phòng ngừa khả năng nhiễm vi khuẩn do virus gây ra, các bác sĩ còn khuyên dùng thuốc long đờm kết hợp liệu trình kháng khuẩn phổ rộng hoặc khí dung hóa. Một số loại thuốc kháng vi khuẩn chất lượng, ngăn chặn nguy cơ bị viêm phổi, viêm phế quản được khuyên dùng bao gồm Tetracycline, Ampicillin và Chloramphenicol.

Chữa bệnh care ở chó bằng thuốc chống nôn, bổ sung điện giải

Bệnh care ở chó
Chó bị bệnh care rất nhanh mất nước, khoáng trong cơ thể

Nếu chó bị nôn mửa và tiêu chảy, bạn nên ngừng cho ăn uống, kể cả thuốc. Cách tốt nhất để chữa trị cho chó lúc này là bổ sung dung dịch cung cấp chất điện giải như Lactated Ringer và tiêm thuốc chống nôn cho chó. Đặc biệt là những chú chó quá yếu, sút cân nhanh. Thuốc thường được tiêm vào đường tĩnh mạch nằm ở dưới da. 

Tuỳ vào tình trạng sức khỏe của cún cưng, có bị mất quá nhiều nước trong cơ thể hay không để lựa chọn dung dịch điện giải phù hợp. 

  • Conyzoides lỏng: Mỗi ngày tiêm 2 lần/ngày, mỗi lần dùng một lượng nhỏ vừa đủ. Không nên dùng loại conyzoides nước vì quá đắng nên cơ thể của chó không kích ứng tiêu hóa được. 
  • Bạn cũng có thể dùng thuốc CAFEIN + VITAMIN B1, C để tiêm bắp.
  • Thuốc ATROPIN có tác dụng chống nôn. Người ta tiêm bắp 1 lần/ ngày trong 3 ngày liên tiếp.
  • Chất điện giải GLUCO-C + VITAMIN ADE + VITAMIN BCOMPLEX, men tiêu hoá, khoáng chất PREMIX vào thức ăn của chó trong vòng 1 tháng. Tiêm theo lịch 3 lần/ ngày/ 10 ngày.
  • Truyền dịch Glucose 5% để bổ sung nước và chất điện giải trong cơ thể khi chó bị nôn để chó nhanh chóng hồi phục.
  • Nếu chó bị bệnh sang giai đoạn cuối, các triệu chứng điển hình như ói mửa, ghèn mắt nhiều, mũi chảy mủ, bụng bị nổi mụn thì hãy tiêm thuốc kháng sinh 3 lần/ ngày hoặc chích thuốc theo chỉ định của bác sĩ. 
  • Có thể dùng thêm thuốc bổ để nhanh chóng hồi phục sức khỏe

Chống rối loạn thần kinh

Nếu virus gây bệnh care đã xâm nhập vào hệ thần kinh trung ương, gây rối loạn thần kinh thì bạn có thể sử dụng thuốc Dexamethasone (2,2 mg/kg, tiêm mạch máu [IV]). Hoặc thuốc Diazepam tiêm tĩnh mạch (Parenteral diazepam; 0,5 đến 2 mg/kg).

Trị ho bằng thuốc đông y

Mặc dù đông y khá lành tính nhưng bạn vẫn không nên cho cún cưng dùng nhiều. Theo khuyến khích của siro, chó nên dùng dạng siro ho 3 lần/ngày.

Chữa bệnh care ở chó bằng cách tăng cường miễn dịch 

Tăng cường miễn dịch cho chó bằng kháng thể Immunoglobulin, kháng thể đơn dòng Thymosin, huyết thanh nếu như có điều kiện. Có hai loại là thuốc viên và viên nang uống. Nếu dùng viên nang, bạn nên cho chó uống 2 lần/ngày, mỗi lần hai viên. Nhớ hoà tan viên nang với nước ấm rồi cho chó uống. Nếu dùng thuốc viên, bạn nên dùng nước hoà tan thuốc, một gói chia thành hai lần uống.

Chữa bệnh care ở chó bằng lá cỏ hôi 

Lá cỏ hôi là phương thuốc dân gian giúp chống viêm hiệu quả

Cây cỏ hôi thường được người xưa sử dụng để chữa trị cho chó bị care cực kỳ hiệu quả. Cây cỏ hôi là cây thuộc Họ Cúc Asteraceae, có tên khoa học là Chromolaena Odorata. Hay còn được biết đến với cái tên cây phân xanh, bông bay, cây cứt lợn, phân hôi, cỏ lào, yên bạch, cộng sản, bớp bớp,… Mỗi vùng miền gọi loại cỏ dân gian này bằng những tên gọi khác nhau. Tuy nhiên, loại cây này khá phổ biến nên bạn có thể tìm thấy ở bất cứ đâu. 

Cây cỏ hôi được mọc dại thành từng bụi nhỏ ở ven đường các vùng đồi núi. Cây lá màu xanh và có hoa màu tím nhạt. Thường được dùng để ủ phân tự nhiên trong nông nghiệp. Ngoài ra, loại cỏ hôi này được sử dụng như một phương thuốc dân gian.Trong đó, khả năng cầm máu, sát trùng và chống viêm nhiễm của loại cỏ dân dã này được đánh giá là cực kỳ hiệu quả.

Theo dân gian, sau khi rửa sạch một vài lá cỏ hôi và để ráo nước. Bạn hãy xay nhuyễn lá cỏ để lấy nước, trộn với lòng đỏ trứng gà rồi đem cho chó uống mỗi ngày 2 lần. Nếu chó không tự giác uống, bạn có thể dùng xi lanh để bơm từ từ hỗn hợp vào miệng cho chú cún. Kiên trì cho chó uống trong vài ngày, tình trạng tiêu chảy sẽ thuyên giảm và sức khoẻ của chó cũng dần hồi phục.

Cách phòng ngừa bệnh care ở chó

Bệnh care ở chó là nỗi sợ kinh hoàng của bất kỳ ai nuôi thú cưng. Bởi tỉ lệ tử vong của căn bệnh này rất cao. Các triệu chứng thì khó nhận biết còn cách chữa bệnh hiệu quả nhất thì chưa được tìm ra. Vì thế, nếu may mắn phát hiện bệnh sớm và chữa khỏi bệnh cho chó thì cũng để lại những di chứng phức tạp và khó lường cho sức khỏe của cún cưng.

Tiêm phòng vắc xin đầy đủ cho chó

Tiêm vắc xin phòng bệnh cho chó theo chỉ định của bác sĩ ngay từ nhỏ

Phòng bệnh bao giờ cũng tốt hơn chữa bệnh. Vì vậy, bạn nên tiêm đầy đủ các mũi vắc xin phòng bệnh cho cún cưng ngay từ khi còn nhỏ. Chẳng hạn như vắc xin DHPPL – thuốc thú y dùng để phòng các bệnh mà thú cưng dễ mắc phải như bệnh care, ho cũi chó, bệnh parvo, viêm gan truyền nhiễm, bệnh vàng da do vi khuẩn Leptospira canicola và xoắn khuẩn gây ra. 

Độ tuổi có thể bắt đầu tiêm vắc xin phòng bệnh là 7 tuổi. Bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ thú y về lịch tiêm phòng bệnh care ở chó định kỳ hằng năm cho cún cưng của mình. Thông thường, mũi tiêm phòng bệnh care đầu tiên sẽ là vắc xin phòng bệnh tổng hợp dành cho chó con 2 tháng tuổi.

Vắc xin chỉ có tác dụng trong khoảng thời gian từ 6 tháng đến 1 năm kể từ khi tiêm. Vì thế, sau thời gian đó, chó sẽ phải tiêm lại để củng cố và nâng cao hệ miễn dịch của mình.

Đối với những chú chó đã bị phơi nhiễm virus gây bệnh care mà chưa được tiêm vắc xin. Bác sĩ thú y sẽ tiêm thuốc vào bắp thịt hay mạch máu của chó để nhanh chóng tạo lớp bảo hộ phòng virus gây bệnh. Tuy nhiên, việc tiêm vào mạch máu chỉ áp dụng với những chú cún đã bị nhiễm bệnh. 

Tiêm phòng định kỳ sẽ giúp cho sức khỏe của cún cưng được đảm bảo, giúp cún được vui vẻ trong thời gian làm bạn, sinh sống cùng chúng ta. Vậy, thay vì để virus tàn phá cơ thể của chó rồi mới cuống cuồng chữa trị. Tại sao ta không phòng ngừa khả năng nhiễm bệnh ngay từ sớm đúng không nào? 

Kiểm soát môi trường sống của chó

Dọn dẹp nơi ở của chó thường xuyên để ngăn chặn sự phát triển của vi khuẩn

Giữ gìn vệ sinh nơi ở luôn là ưu tiên hàng đầu trong việc phòng ngừa, ngăn chặn các căn bệnh truyền nhiễm. Môi trường sống là yếu tố quan trọng quyết định vi khuẩn, virus bám vào cơ thể chó có thể sinh trưởng hay không.

Vì thế, bạn cần thường xuyên thực hiện vệ sinh thú y. Dọn dẹp nơi ở, chuồng trại của chó theo định kỳ. Hạn chế cho chó lui tới những môi trường bị ô nhiễm, có khả năng truyền bệnh, vi khuẩn trú ngụ cao. 

Bệnh care ở chó lây lan rất nhanh. Do đó, bạn nên cách ly chó khỏe mạnh khỏi những chó bị bệnh. Hạn chế cho cún cưng nhà bạn tiếp xúc với những chú chó lạ. Bởi virus có thể lây truyền qua đường hô hấp, đường tiêu hoá khi chúng tiếp xúc, chơi đùa với nhau. Từ 1, 2 tuần sau khi phát bệnh, chó bị care thường bài tiết virus thông qua phân của mình. 

Nếu bạn đang tìm mua một chú cún con, hãy ưu tiên những chú chó ít nhất 2 tháng tuổi và đã tiêm đầy đủ 2 mũi phòng bệnh. Ngoài ra, hãy cách ly bé con 1 tuần trước khi cho chó con hòa nhập cùng những vật nuôi khác trong nhà để phòng ngừa nguy cơ truyền bệnh chéo nhé!

Bên cạnh đó, hãy thường xuyên giặt giũ chăn gối, nệm lót chó hay nằm. Cũng như vệ sinh bằng chất vệ sinh tẩy rửa thông dụng các khay ăn uống của chó nhằm loại bỏ vi khuẩn, virus gây bệnh bám trên đó. 

Đảm bảo chế độ dinh dưỡng

Đảm bảo chế độ dinh dưỡng khoa học, hợp lý cho cún cưng

Việc đảm bảo chế độ dinh dưỡng cho thú cưng luôn là ưu tiên hàng đầu, là nhiệm vụ cơ bản của chủ nuôi khi quyết định chăm sóc và bảo vệ cún cưng. Vì thế, bạn nên cung cấp cho chó chế độ ăn khoa học, thực đơn giàu dinh dưỡng an toàn và tốt cho sức khỏe của cún cưng. Từ đó xây dựng cho chó “bức tường” đề kháng vững chắc, ngăn chặn mọi loại virus gây hại. 

Bên cạnh thức ăn giàu dinh dưỡng, bạn cũng nên bổ sung cho chó các yếu tố vi lượng như vitamin và khoáng chất. Giúp tăng cường sức đề kháng hoàn hảo cho cún cưng khi chống chọi với căn bệnh care nguy hiểm. Đặc biệt là vào lúc giao mùa – thời điểm dễ bùng dịch bệnh care ở chó nhất trong năm. 

Nếu bạn quá bận rộn với công việc, không thể tự chế biến thức ăn cho cún thường xuyên. Bạn có thể thay thế bằng các loại thức ăn hạt chứa đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết cho sự phát triển của cún cưng. 

Phòng ngừa bệnh care ở chó con

Chó con mới sinh vô cùng yếu ớt. Đặc biệt là những chú chó không được uống sữa mẹ. Kháng thể mẹ truyền cho chó con qua sữa thường mất đi khi chó con được 12 đến 14 tuần tuổi. Do đó để phòng ngừa các căn bệnh nguy hiểm, khi chó con được 8 đến 16 tuần tuổi, bạn nên tiêm phòng cho bé. 

Bệnh care thực sự là một căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, có khả năng đe dọa tính mạng cún cưng nhà bạn. Vì vậy, bạn nên chú tâm chăm sóc cún cưng, thực hiện các biện pháp phòng bệnh từ sớm để giảm nguy cơ mắc bệnh. Không chỉ bệnh Care mà còn nhiều căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khác ở chó.

Trên đây là những thông tin cơ bản về cách nhận biết và điều trị bệnh care ở chó. Hy vọng bài viết trên sẽ giúp bạn chăm sóc thú cưng tốt hơn. 

By admin

Related Post

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *